[ad_1]
Nghiên cứu của Ngân hàng UOB phối hợp với Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong năm 2024 vượt qua mức trung bình của khu vực ASEAN là 66% và cao hơn tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Cụ thể, hơn 70% người được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6 – 12 tháng tới sau khi chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm 2024, với tăng trưởng GDP tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, 71% người khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, chủ yếu là cho các chuyến công tác và du lịch. Tỷ lệ này vượt qua mức trung bình của khu vực là 66% và cao hơn tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Bên cạnh chi tiêu ở nước ngoài, nghiên cứu của UOB cũng cho thấy trong năm 2024 người tiêu dùng Việt đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ba hạng mục hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã chi nhiều hơn trong năm qua là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống sang trọng, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.
“Thật đáng mừng khi thấy người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực về sự lạc quan đối với tình hình kinh tế của quốc gia. Tâm lý tích cực này dường như đã góp phần vào sự gia tăng trong chi tiêu xuyên biên giới của người tiêu dùng Việt. Điều này phản ánh sự thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và tăng cường hội nhập khu vực”, ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định.
Chính điều này đang hỗ trợ đà phục hồi của các DN, đặc biệt cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Trong đó, về giáo dục (1 trong 3 lĩnh vực được ưu tiên chi tiêu nhất hiện nay của người Việt, theo UOB), bà Phạm Thị Hóa – Phó Tổng Giám đốc CTCP Phát hành Sách Tp.HCM (Fahasa) – chia sẻ: “ Những ngày cuối năm, không khí mua sắm đã bắt đầu cao hơn so với những ngày bình thường. Theo ghi nhận sơ bộ, Fahasa trong những tháng gần đây cũng cho thấy sức mua tốt hơn nhiều”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Fahasa đã khai trương mới 5 nhà sách song song cải tạo 10 nhà sách. Bà Hoá cho biết, hiện Công ty vẫn còn khá nhiều dự án, đa số là các dự án hợp tác với trung tâm thương mại (TTTM) lớn.
Bà nói thêm, xu hướng hiện nay là khách hàng thích đến TTTM lớn để mua được nhiều sản phẩm, đáp ứng nhiều nhu cầu cùng một lúc. Với Fahasa, việc đi cùng với TTTM còn giúp Công ty mở nhà sách nhanh hơn, chưa kể các TTTM họ có sẵn “traffic” rồi, và họ cũng thích Fahasa, bởi vì Fahasa cũng sẽ giúp TTTM kéo thêm lượng traffic.
Về phía chính quyền, UBND Tp.Thủ Đức cũng đang cấp rút phối hợp cùng Vietnam Brand Purpose tổ chức City Tết Fest Thủ Đức 2025, diễn ra trong 5 ngày theo quy mô như các lễ hội lớn trên thế giới. Được biết, City Tết Fest là sự kiện thường niên mang tính biểu tượng của thành phố, không chỉ giúp DN tiếp cận và đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm, mà còn thu hút khách du lịch trong ngoài nước.
Phía thành phố cũng dự báo sức mua vẫn cao dù kinh tế còn khó khăn. Ghi nhận thông tin trên Website Tp.Thủ Đức, ông Nguyễn Kỳ Phùng, UV. BTV Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức cho biết: Đêm nhạc countdown chào năm mới 2025 hứa hẹn có quy mô lớn, kỳ vọng sẽ có khoảng 20.000 người trở lên tham dự.
Với kênh TMĐT, sức mua cũng đang bùng nổ mạnh. Theo đại diện UOB, kênh TMĐT sở dĩ được yêu thích còn bởi đó là nơi người dùng có thể so sánh giá giữa các bên với nhau, từ đó đưa ra quyết định chi tiêu hợp lý trong bối cảnh nhà nhà “thắt chặt hầu bao” hiện nay.
Ghi nhận từ báo cáo “Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong Thương mại Điện tử tại Đông Nam Á” do Lazada và Kantar thực hiện (dựa trên khảo sát đến từ hơn 6.000 người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines), chỉ ra đến 1/3 người tiêu dùng nhạy cảm về giá cả và tích cực tìm kiếm ưu đãi (41%).
Để kích cầu chi tiêu, Lazada sau thời gian im ắng vừa công bố ứng dụng GenAI nhằm giúp các nhà bán hàng Việt Nam khai thác tối đa cơ hội tăng doanh thu trong mùa mua sắm cuối năm cũng như ngày đôi 11.11 sắp tới.
Phía TikTok Shop cũng đã rục rịch triển khai phiên Mega Livestream. Đây là sự kiện hàng năm khá đầu tư được tổ chức offline của đơn vị này, mục đích đem đến trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí bùng nổ và độc đáo cho người dùng trong mùa siêu mua sắm cuối năm.
Đón đầu cơ hội tiêu dùng cuối năm cũng như sự hồi phục thời gian tới, nền tảng giao hàng Lalamove vừa mở thêm văn phòng tại Đà Nẵng. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam cho biết: “ Việc cho ra mắt văn phòng hỗ trợ tài xế tại Đà Nẵng nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt giai đoạn cao điểm”.
[ad_2]