[ad_1]
Ở hạng mục “Nền tảng nhắn tin”, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng (Penetration rate) đạt 85%, theo sau là Facebook với 59% và Messenger đạt 52%. So với quý trước đó, tỷ lệ người sử dụng Zalo tăng 3%, trong khi, con số này ở Facebook và Messenger giảm nhẹ lần lượt 3% và 1%.
Còn nếu xét về tỷ lệ yêu thích (Preference rate), Zalo cũng đang dẫn đầu. Ứng dụng nhắn tin được phát triển bởi VNG ghi nhận tỷ lệ yêu thích 57% trong quý này, giữ khoảng cách 17% với cả Messenger và Facebook. Tính từ đầu năm 2024, tỷ lệ yêu thích của người dùng với nền tảng Zalo tăng đều qua từng quý.
Đây là quý thứ 16 liên tiếp Zalo đạt thứ hạng nền tảng yêu thích ở cả 3 nhóm thế hệ người dùng kể từ năm 2020, cột mốc đánh dấu ứng dụng tin nhắn của VNG vượt qua Facebook Messenger, giữ vị trí số một tại Việt Nam.
Ngoài ra, ba nhóm thế hệ người dùng Gen X, Gen Y và Gen Z đều đưa ra nhận định hài lòng với Zalo. 75% số người được khảo sát thuộc Gen X (1996-2012) yêu thích sử dụng Zalo cho việc nhắn tin hàng ngày (Casual messaging) trong khi tỷ lệ sử dụng Messenger và Facebook trong việc nhắn tin ở nhóm Gen X chỉ đạt lần lượt là 10% và 7%.
Nhóm Gen Y (1981-1995) cũng chứng kiến sự cách biệt trong tỷ lệ yêu thích sử dụng Zalo so với các nền tảng nhắn tin khác khi 56% người được hỏi yêu thích sử dụng Zalo.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 mới được VNG công bố, nền tảng nhắn tin Zalo hiện có 77,6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) và gần 1,97 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Hay trong thống kê tháng 8 năm ngoái của Bộ Thông tin và Truyền thông, Zalo có khoảng 75 triệu người dùng thường xuyên và là ứng dụng chat phổ biến nhất tại Việt Nam.
Sự phát triển của Zalo phần nào cho thấy các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và ứng dụng nhắn tin nội địa đang ngày càng tạo được sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Mới đây, ngày 18/10, Công ty Cổ phần VCCorp ra mắt ứng dụng nhắn tin Lotus Chat. Đây là ứng dụng chat tiếp theo tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt phát triển phục vụ người dùng cuối.
Ứng dụng nhắn tin Lotus Chat được xây dựng dựa trên bốn trụ cột: An toàn trên mạng; Chủ động bảo vệ thông tin; Hỗ trợ công việc hiệu quả và Luôn sẵn sàng phục vụ. Ứng dụng mới này đặt mục tiêu chinh phục 1 triệu người dùng, rồi sau đó hướng đến con số 10 triệu user, theo ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp.
Theo Nhịp sống thị trường