[ad_1]
Đại gia vận tải biển ‘rót’ vốn vào KCN, ngân hàng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa qua công bố bổ sung thông tin về cổ đông nắm 1% vốn điều lệ trở lên. Danh sách này có 5 cái tên, trong đó có sự xuất hiện của nhóm cổ đông CTCP Âu Lạc.
Cụ thể, bà Nguyễn Thiên Hương Jenny nắm hơn 60 triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Đức Hiếu Johnny nắm hơn 47,7 triệu cổ phiếu) và CTCP Làng giáo dục quốc tế Thiên Hương nắm hơn 58,5 triệu cổ phiếu.
Trong đó, CTCP Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương thành lập tháng 1/2015, là một thành viên trong hệ sinh thái Âu Lạc của nữ đại gia Ngô Thu Thúy.
Vốn điều lệ ban đầu của công ty này là 275,51 tỷ đồng, trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương góp 98%. 2 cổ đông sáng lập còn lại là bà Ngô Thu Thuý và chồng là ông Nguyễn Đức Hinh.
Theo đăng ký kinh doanh mới nhất, CTCP Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương có vốn điều lệ gần 1.753 tỷ đồng. Nữ đại gia mang hai quốc tịch Việt Nam và Canada là Chủ tịch HĐQT.
Theo công bố tháng 8/2023, danh sách cổ đông Làng giáo dục Quốc tế Thiên Hương gồm Công ty TNHH Diamond Crest Global nắm 23,48%, có địa chỉ tại British Virgin Island. Ông Nguyễn Đức Hinh và bà Ngô Thu Thuý mỗi người nắm 3,09%.
Còn hai cá nhân nắm giữ lượng lớn cổ phần ACB còn lại là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny là con trai và con gái của vợ chồng bà Ngô Thu Thúy.
Như vậy, hai cá nhân và một pháp nhân nhóm Âu Lạc đang nắm giữ tổng cộng 166,3 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 3,724%. Số cổ phiếu này hiện có giá trị trường khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên nhóm cổ đông Âu Lạc đầu tư vào cổ phiếu ACB. Trước đó, hồi cuối năm 2022, nhóm này từng gom 14 triệu cổ phiếu ACB rồi thoái ra toàn bộ vào quý II/2024.
Trước nữa hồi năm 2018, nhóm cổ đông này từng đầu tư vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) rồi thoái sạch vốn năm 2022.
Trước khi được biết đến với các thương vụ đầu tư vào ngân hàng, CTCP Âu Lạc vốn là đại gia trong lĩnh vực vận tải biển. Theo công bố tháng 10/2019, công ty có vốn điều lệ gần 565 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Ngô Thu không sở hữu cổ phần nào.
Tính đến ngày 30/6/2024, Âu Lạc đang sở hữu tổng tài sản 2.546,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định ghi nhận 1.089 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.028 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Âu Lạc ghi nhận doanh thu đạt 796 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 171 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía Âu Lạc, nguyên nhân lợi nhuận tăng là do kể từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023 Công ty đã đầu tư thêm 3 tàu mới, do vậy 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có hơn 5 tàu hoạt động, trong khi 6 tháng đầu năm 2024 có 8 tàu hoạt động, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Hồi tháng 8/2024, Âu Lạc bị UBCKNN xử phạt số tiền 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do Không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.
Cụ thể, Công ty cổ phần Âu Lạc trở thành công ty đại chúng ngày 6/8/2007, tuy nhiên cho đến nay, Công ty không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.
Nhiều năm qua, vợ chồng bà Ngô Thu Thúy chuyển hướng đầu tư khu công nghiệp trong nước đánh dấu bằng sự xuất hiện của pháp nhân CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam (KCN VN Group) được thành lập vào tháng 1/2021.
Ban đầu Tập đoàn KCN Việt Nam chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm bà Ngô Thu Thúy nắm 70%, ông Nguyễn Đức Hinh nắm 20% và con trai Nguyễn Đức Hiếu Johnny nắm 10%.
Từ đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản, sau đó công ty chuyển sang lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, điều hòa không khí.
Chỉ 8 tháng sau khi thành lập tức tháng 9/2021, cổ đông ngoại KCN Vietnam Private Limited (trụ sở Singapore) xuất hiện nắm 94,6% cổ phần và nâng vốn điều lệ công ty lên 650 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2023, công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.140 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của KCN Vietnam Private Limited không đổi. Dù vậy, ông Nguyễn Đức Hinh vẫn là Chủ tịch HĐQT, bà Ngô Thu Thúy là Tổng giám đốc.
Theo giới thiệu trên website, Tập đoàn KCN Việt Nam sở hữu quỹ đất 200 ha với nhiều KCN tại nhiều tỉnh thành như: KCN Phúc Điền – Hải Dương (18,7 ha), KCN Tân Hưng – Bắc Giang (35 ha), KCN An Phát – Hải Dương (8,92 ha), KCN Deep C – Hải Phòng (giai đoạn 1 10,6 ha, giai đoạn 2 12,6 ha), KCN Thuận Thành 3B – Bắc Ninh (24 ha).
Tại tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn KCN Việt Nam có KCN Hố Nai tổng diện tích 3 giai đoạn 53,7 ha; KCN Nhơn Trạch 6,96 ha; KCN Nhơn Trạch 6D 14,5 ha. Tại tỉnh Long An có KCN Phú An Thạnh 13,4 ha.
Hầu hết các pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực KCN đều do ông Nguyễn Đức Hinh làm người đại diện pháp luật. Có thể kể ra gồm: CTCP KCN Phúc Điền Hải Dương, CTCP KCN Việt Nam Hưng Yên, CTCP KCN Bình Dương, CTCP KCN Tân Hưng, CTCP KCN Hà Nội, CTCP KCN TP Hồ Chí Minh, CTCP Quản lý và Dịch vụ KCN, CTCP KCN Bắc Ninh TT, CTCP KCN Biên Hòa, CTCP KCN Tân Vũ – Hải Phòng, CTCP KCN Management, CTCP KCN Bắc Sơn.
Trong khi đó, bà Ngô Thu Thúy là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần KCN Đồng Nai, Công ty cổ phần KCN Tân An Thạnh – Long An…
Đầu tư bất động sản và game
Ngoài sở hữu quỹ đất KCN “khủng”, nhóm Âu Lạc còn được biết đến nhiều với dự án nghìn tỷ có tên Làng Giáo dục quốc tế thuộc địa phận các phường Tây Mỗ, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm và xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo quy hoạch năm 2010, tổng diện tích trong quy hoạch chi tiết Làng Giáo dục quốc tế được công bố vào khoảng 31,6ha và được giới thiệu là có thể đáp ứng quy mô 3.000 học sinh.
Trong đó, đất xây dựng trường học là 64.620m2, đất xây dựng công trình công cộng dịch vụ có diện tích 15.270m2. Ngoài ra, còn 138.600m2 để xây dựng nhà ở cho thuê phục vụ giáo viên và gia đình học sinh.
Theo tìm hiểu, dự án do CTCP Làng Giáo dục quốc tế Thiên Hương làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.088 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của quận Nam Từ Liêm, dự án Làng Giáo dục quốc tế vẫn nằm trong danh mục các công trình, dự án thực hiện. Tuy nhiên, diện tích dự án đã giảm 3,96ha, xuống còn 27,64ha.
Công ty mẹ của CTCP Làng Giáo dục quốc tế Thiên Hương là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương thành lập năm 1997. Tại thời điểm tháng 4/2018, công ty có vốn điều lệ 427 tỷ đồng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương cũng là cổ đông lớn nhất (nắm 38%) cổ phần của Công ty cổ phần Thiên Hương Riverdale thành lập tháng 1/2019, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản. Hai vợ chồng ông Hinh bà Thúy, mỗi người nắm 31% cổ phần.
Đáng nói, một số thành viên nhóm Âu Lạc được “rót” vốn bởi cổ đông nước ngoài. Ngoài Tập đoàn KCN Việt Nam, còn có Công ty cổ phần Hiếu Đức thành lập tháng 6/2006, cũng hoạt động kinh doanh bất động sản. Tại thời điểm tháng 12/2022, công ty có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, trong đó cổ đông Drostan Holdings Limited (trụ sở Singapore) sở hữu 4,66%.
Trong hệ sinh thái Âu Lạc, ái nữ sinh năm 1995 của bà Thúy cũng được giao phó điều hành một số doanh nghiệp. Nguyễn Thiên Hương Jenny hiện là người đại diện của Công ty cổ phần Kỹ thuật SKUA thành lập năm 2022, hoạt động kinh doanh bất động sản; Công ty cổ phần NewTech Logistic thành lập năm 2020 cũng kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, người con trai là Nguyễn Đức Hiếu Johnny (SN 1998) cũng nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp.
Dù sở hữu nhiều công ty bất động sản nhưng ngoài dự án Làng Giáo dục quốc tế chậm triển khai, không có nhiều thông tin về các dự án khác của nhóm Âu Lạc.
Gần đây, gia đình bà Ngô Thu Thúy lấn sân sang kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng với việc thành lập nhiều pháp nhân gồm: CTCP Đức Hiếu Gaming (thành lập tháng 6/2024), CTCP 4Gamers (tháng 7/2024), CTCP Mamba Game (tháng 7/2024), CTCP THS Game (tháng 8/2024).
Ngoài ra, nhóm Âu Lạc còn sở hữu CTCP Việt Nam Living hoạt động chăm sóc sức khỏe người già, người có công.
[ad_2]