Trung Quốc đã thành lập hơn 237.000 công ty mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong nửa đầu năm nay, nâng tổng số lên 1,67 triệu công ty.
Theo nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, Trung Quốc đại lục đã thành lập hơn 237.000 công ty mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong nửa đầu năm nay, nâng tổng số lên 1,67 triệu công ty trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghệ này, South China Morning Post viết.
Trong đó, hơn 1,48 triệu công ty – chiếm gần 90%, được thành lập sau năm 2017. Đây là thời điểm mà Quốc vụ viện công bố Kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo thế hệ mới với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ này.
Số lượng công ty mới liên quan đến AI hàng năm đạt kỷ lục hơn 467.000 vào năm ngoái, sau khi OpenAI do Microsoft hậu thuẫn ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022, giúp người dùng có thể truy cập vào chatbot có khả năng soạn thảo email, tạo bài phát biểu hoặc tóm tắt tài liệu dựa trên các lệnh đơn giản.
Con số này vượt xa 56.000 công ty mới liên quan đến AI được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2018, một năm sau khi kế hoạch phát triển AI của Bắc Kinh được công bố, khi nhiều doanh nghiệp đổ xô tham gia phát triển chatbot và các mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI sinh tạo như ChatGPT.
Sự tăng trưởng trong đăng ký công ty liên quan đến AI phản ánh sự bùng nổ kỳ lân mới của Trung Quốc, cho đến nay đã tạo ra 4 “con hổ AI” gồm Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax. Đây đều là những công ty đã huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn.
Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt cũng đang làm giảm số lượng các công ty AI trên thị trường. Khoảng 419.000, tức chưa đến 90%, các doanh nghiệp AI mới thành lập năm ngoái vẫn tiếp tục hoạt động, theo dữ liệu từ Qichacha.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn kiên định trong việc cung cấp thêm hỗ trợ chính sách cho ngành công nghiệp AI non trẻ. Thủ tướng Lý Cường trong kỳ họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân, đã giới thiệu sáng kiến AI Plus nhằm tích hợp công nghệ này vào các ngành công nghiệp truyền thống để tăng cường hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.