Sau cuộc đổ bộ dồn dập của những mẫu quảng cáo lấy nước mắt người xem Tết 2015, mùa xuân 2016 đón chào làn gió mới của những cảm xúc tích cực.
Tết con khỉ này, không phải những giọt nước mắt nặng nề, mà chính tiếng cười rộn rã mới là chất xúc tác của khoảnh khắc sum vầy.
Coca-Cola – quyền năng gắn kết của người trẻ
Coca-Cola chưa bao giờ làm người xem thất vọng với góc nhìn sáng tạo, lật lại những sự thật tưởng chừng như hiển nhiên để thổi hơi thở mới vào Tết. Vẫn trên nền tảng “Tết gắn kết” quen thuộc, Coca-Cola phát hiện ra rằng việc kéo mọi người lại quây quần ngày Tết từ lâu đã trở thành chuyện của người già; thế nhưng, chính sức trẻ lạc quan lại mới là chất gắn kết mạnh mẽ nhất cho khoảnh khắc sum vầy.
Với tông màu tươi sáng, bài hát Tết được viết riêng rộn rã, trẻ trung, đầy sức sống, Coca Cola biến chính mình thành nguồn cảm hứng làm mới Tết của người trẻ và lan toả thông điệp: cùng gắn kết, làm nên Tết – trao Coca-Cola, trao Hy Vọng; trao Coca-Cola, trao Gắn Kết; trao Coca-Cola, trao Yêu Thương. Sẽ tuyệt hơn biết bao nếu tinh thần người trẻ làm mới Tết không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của một mẩu quảng cáo và bao bì sản phẩm, mà thực sự lan tỏa trong hành động của người trẻ, thay đổi Tết Bính Thân 2016.
Pepsi biến 5000 ước mơ sum vầy thành hiện thực
Không gây ấn tượng bằng quảng cáo sáng tạo hay cảm động, Pepsi kể câu chuyện về nhà một cách rất chân phương – câu chuyện của những người đang khao khát được về nhà nhất: sinh viên, người lao động nghèo… Để từ đó, thức tỉnh thông điệp “Tết chỉ vui khi trọn sum vầy” trong lòng những người vốn đang có khả năng, có cơ hội được sum vầy với gia đình, nhưng hiếm ai trân trọng.
Pepsi nhân rộng thông điệp quảng cáo của mình ra thành một chiến dịch CSR, kết hợp với báo Thanh Niên và đài truyền hình Việt Nam VTV3 biến 5000 ước mơ sum vầy thành hiện thực, trải rộng trên các kênh truyền thông: digital, TV show, PR… Không kịch tính hóa cảm xúc của người tiêu dùng, Pepsi tận dụng chính định vị sức trẻ của thương hiệu để thực sự tạo nên thay đổi trong xã hội.
Knorr – Có mẹ là có Tết
Knorr thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng mục tiêu của mình – những người mẹ, người vợ – những bà nội trợ vốn đã lâu không còn đau khổ, vật lộn với công việc bếp núc, mà coi sự thấu hiểu, tinh tế đến từng miếng ăn của những người họ yêu thương là niềm tự hào rất riêng của mình. Điều họ cần và còn thiếu, không phải là sự đỡ đần, giành việc, lại càng không phải sự thương hại, mà là lời công nhận, tri ân tận đáy lòng.
Knorr lan tỏa thông điệp của mình bằng hình thức lạ mà quen: Tổng đài “Mẹ ơi” 19006722 để bố con có thể gửi lời cảm ơn đến mẹ của mình. Hình thức điện thoại qua tổng đài cũng thể hiện sự thấu hiểu tinh tế của Knorr dành tặng người nội trợ – những người mới chỉ tập tễnh làm quen với digital, lại xa cách với TV, print, những cuộc điện thoại thủ thỉ, gần gụi lại là cái đi thẳng đến trái tim họ nhất.
Mirinda – Lì xì tiếng cười
Mirinda với định vị thương hiệu niềm vui bùng nổ, hướng đến đối tượng tuổi teen – nửa trẻ con, nửa người lớn rất đặc thù, tiếp cận thông điệp sum vầy ngày Tết bằng con đường đặc biệt của riêng mình, vừa hài nước, vừa mang tính khám phá và thức tỉnh: Tết Mirinda, Tết cười thả ga. Phát hiện sự thật ngầm hiểu trong phong tục Tết lì xì: từ rất lâu, cả trẻ con và người lớn đã quên đi ý nghĩa nguyên thủy của lì xì – trao gửi nguyện ước của niềm vui, Mirinda quyết định làm mới những phong bao quen thuộc, tạo nên một “phong tục Tết” của riêng Mirinda: Lì xì tiếng cười.
Khai pháo bằng một viral clip tụ hội những cái tên “hút khách” nhất của tuổi teen: Khởi My, Noo Phước Thịnh, Trấn Thành, Đông Nhi, “Cô giáo” Khánh, Diệu Nhi, Mirinda tiếp tục nắm bắt một “lãnh địa” lạ mà quen của các bạn: ứng dụng chat. Lần đầu tiên tại Việt Nam, Mirinda kết hợp cùng Zalo để tạo nên những “emotion biết cười” cực kỳ độc đáo, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “lì xì tiếng cười”.
Khi mùa Tết chỉ vừa chớm bắt đầu, vẫn còn quá sớm để kết luận mức độ ảnh hưởng, thành công của những chiến dịch Tết của các thương hiệu. Thế nhưng, có thể thấy rõ, Tết 2016 chứng kiến sự lên ngôi của quảng cáo lạc quan, lan tỏa tiếng cười, để lại dư vị ngọt ngào cho nhà nhà ngày Tết.
* Nguồn: Dân Trí