Ôtô bạn đi không nằm ngoài các thương hiệu sau đây. Nhiều người bất ngờ khi biết tên hãng xe Mazda được đặt theo tên một vị thánh của Iran.
Aston Martin
Từng là một phần của Ford cùng Volvo và Jaguar, ngày nay Aston Martin là công ty độc lập với nhiều cổ đông và nhà đầu tư chiến lược, trong đó có công ty mẹ Daimler của Mercedes-Benz và công ty đầu tư Investindustrial có trụ sở tại London. Nhờ quan hệ mật thiết với Mercedes nên các mẫu xe thể thao mới nhất của Aston Martin đều sử dụng động cơ AMG.
BMW
Được thành lập năm 1916, ban đầu là công ty chuyên về động cơ máy bay, BMW dần mở rộng sang sản xuất môtô và ôtô. Ngày nay, BMW sở hữu Mini và Rolls-Royce. Hãng xe Đức bán xe thể thao i3 (điện) và i8 (plug-in hybrid) dưới thương hiệu BMW i. BMW hợp tác chặt chẽ với hãng độ Alpina, cung cấp động cơ điện cho Jaguar – Land Rover.
Daimler AG
Tên ban đầu là Daimler-Benz, thành lập tại Đức năm 1926. Ngày nay, hãng có tên chính thức là Daimler AG (từ 1998). Daimler sở hữu các thương hiệu xe Mercedes-Benz, Mercedes-AMG, Mercedes-Maybach, Smart, và một số công ty sản xuất xe kéo hạng nặng như Freightliner và Western Star. Daimler AG sắp ra mắt thương hiệu Mercedes-EQ mới, tập trung vào xe điện, hybrid, và plug-in hybrid. Daimler có một số cổ đông, trong đó có Geely của Trung Quốc – sở hữu 10% cổ phần. Một công ty khác của Trung Quốc là BAIC cũng sở hữu 5% Daimler AG.
Fiat
Thực chất là tên viết tắt của Fabbrica Italiana Automobili Torino, Fiat được thành lập năm 1899, là một trong những hãng xe lâu đời nhất thế giới. Ban đầu, Fiat chủ yếu sản xuất động cơ cho xe lửa, máy kéo và máy bay. Từ những năm 50 trở đi, hãng mới bắt đầu sản xuất xe hơi, tập trung cho xe cỡ nhỏ và mui trần thể thao. Fiat mua lại Chrysler năm 2009 sau khi công ty này phá sản. Ngày nay, Fiat-Chrysler Automobiles (FCA) sở hữu các thương hiệu Abarth, Alfa Romeo, Fiat, Fiat Professional, Lancia, Maserati, và tất cả thương hiệu của Chrysler như Dodge, Jeep, và Ram.
Ferrari
Enzo Ferrari lấy tên ông đặt cho tên công ty vào năm 1947. Ferrari hợp tác cùng Fiat phát triển các mẫu xe thể thao, trong đó có Dino, vào những năm 60. Năm 1969, Turin (Italy) mua lại 50% cổ phần và nâng lên 90% cổ phần sau khi nhà sáng lập Ferrari qua đời năm 1988. Trong nhiều thập kỷ, Ferrari được biết đến như thương hiệu xe siêu sang của Fiat. Tuy nhiên, từ tháng 1/2016, Ferrari tách khỏi công ty mẹ và phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) không lâu sau đó.
Ford
Nổi tiếng với mẫu xe Model T đời đầu của ngành công nghiệp xe hơi, Ford có cổ phần lớn trong Volvo, Jaguar, Land Rover, Mazda, Mercury, và Aston Martin. Năm 2019, Ford thiết lập quan hệ đối tác với Volkswagen phát triển dòng xe thương mại, công nghệ tự lái và xe điện. Hãng xe Mỹ cũng vừa đầu tư 500 triệu USD cho Rivian, startup chuyên sản xuất bán tải điện.
General Motors
Sau khi nộp đơn phá sản năm 2009, General Motors giảm đáng kể quy mô. Hãng này chia thành nhiều mảng xe, gồm Buick, Cadillac, Chevrolet, GMC, và Holden. Ngoài xe, GM còn tham gia sứ mệnh Apollo 15, 16 và 17, cụ thể là phát triển hệ thống chuyển động trên cỗ xe thám hiểm Mặt Trăng.
Honda
Trong khi hầu hết hãng xe lớn gia nhập ngành công nghiệp ôtô trước hoặc trong đầu thế kỷ 20, mãi tới năm 1948 Honda mới được thành lập. Tên hãng bắt nguồn từ Soichiro Honda, một trong số các nhà sáng lập. Honda sở hữu thương hiệu Acura. Ngoài ôtô, Honda còn sản xuất môtô, scooter, máy cắt cỏ, động cơ cho tàu thuyền, thậm chí cho máy bay.
Hyundai
Được thành lập tại Hàn Quốc, Hyundai ra mắt mẫu xe đầu tiên năm 1986 nhờ hợp tác với Ford. Ngày nay, Hyundai Motor Company sở hữu một phần Kia, một trong những đối thủ chính của hãng. Xe Hyundai và Kia dùng chung nhiều chi tiết, gồm cả động cơ và hộp số. Năm 2015, Hyundai ra mắt thương hiệu xe sang Genesis Motors.
Mazda
Được thành lập năm 1920, hãng xe Nhật Bản ban đầu chỉ sản xuất dụng cụ, rồi sau đó mới lấn sân sang xe hơi vào những năm 1930. Tên công ty được đặt theo thánh Ahura Mazda của Iran. Thời những năm 90, Ford sở hữu 33,3% cổ phần Mazda nhưng sau đó bán hết. Mazda trở thành công ty độc lập từ đó dù vẫn thường xuyên hợp tác với đối tác trong ngành xe hơi.
McLaren
McLaren Automotive là một phần của tập đoàn McLaren Technology Group. Ngoài sản xuất siêu xe thể thao điệu đà, hãng xe Anh còn sở hữu đội đua Công thức 1 McLaren Formula One và bộ phận Applied Technologies, chuyên sản xuất chọn lọc các sản phẩm như xe đạp, xe trượt lòng máng, thuốc uống và tấm pin năng lượng mặt trời.
Mitsubishi
Là tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản, Mitsubishi Corporation khởi đầu kinh doanh từ năm 1970 sau khi tách ra từ tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries. Trong thời gian dài, Mitsubishi hoạt động độc lập nhưng nay thuộc quyền kiểm soát của liên minh Renault-Nissan Alliance.
Renault-Nissan
Renault sở hữu 43% cổ phần Nissan, trong khi Nissan sở hữu 15% cổ phần Renault. Nissan điều hành thương hiệu xe sang Infiniti, gần đây hồi sinh thương hiệu xe bình dân Datsun dành cho thị trường mới nổi. Trong khi đó, Renault sở hữu hãng xe Dacia của Rumani, và có cổ phần kiểm soát trong AvtoVAZ (một trong những hãng xe lớn nhất của Nga) và Mitsubishi. Renault rời bỏ thị trường Mỹ những năm 1980 và không có ý định quay trở lại.
Saab
Là đứa con tinh thần của Svenska Aeroplan AB, Saab Automobile chuyên về sản xuất hàng không và quốc phòng. National Electric Vehicle Sweden (NEVS) hiện sở hữu tài sản của Saab. NEVS từng sản xuất mẫu xe điện Saab 9-3 nhưng không thành công. Oái oăm ở chỗ Saab không có quyền đặt tên cho xe và cũng không được gắn logo lên xe.
Subaru
Hãng xe Nhật Bản đạt doanh số ấn tượng trong suốt 10 năm liên tiếp. Thành tựu này càng ấn tượng hơn khi Subaru là công ty độc lập. Cổ đông Toyota chỉ sở hữu 16% thương hiệu này. Cả hai đang cùng sản xuất bộ đôi xe Toyota 86 và Subaru BRZ.
Tata
Hãng xe Ấn Độ từng nổi tiếng khi ra mắt mẫu xe Nano có giá khởi điểm chỉ từ 2.500 USD. Tuy nhiên, xe thường xuyên bốc cháy và gây không ít hệ lụy cho hãng. Tata gia nhập phân khúc xe sang khi mua lại thương hiệu Jaguar và Land Rover năm 2008.
Tesla
Một nhóm kỹ sư tại Silicon Valley đã lập ra công ty sản xuất xe điện Tesla vào năm 2003. Sản phẩm gồm xe điện Model S, the Model X, và Model 3. Tesla cũng công bố kế hoạch ra mắt crossover mới chạy điện Model Y.
Toyota
Là một trong những hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, Toyota sở hữu các thương hiệu Daihatsu, Lexus, và Hino Motors. Toyota cũng từng đứng sau Scion, thương hiệu xe dành cho giới trẻ, nhưng đã khai tử vào năm 2016 do doanh số quá thấp.
Volkswagen
Nổi lên từ thời “Con bọ” Beetle, Volkswagen là một trong những hãng xe lớn nhất thế giới. Hãng xe Đức sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như Audi, Bentley, Porsche, Bugatti, Lamborghini, SEAT, Skoda, MAN Trucks, Scania, và Ducati.
Volvo
Hãng xe Thụy Điển thành lập năm 1927, thuộc quyền sở hữu của Ford nhưng bán lại toàn bộ cho Zhejiang Geely Holding Group (Trung Quốc) năm 2010 với giá 1,8 tỷ USD.
Gia Nguyễn
* Nguồn: Zing News