Cooky vừa huy động thêm nửa triệu USD từ các nhà đầu tư để mở rộng nhiều hoạt động mới.
Cuối tháng 10 vừa qua, Cooky công bố vừa huy động thêm nửa triệu USD từ ESP, Global Founder Capital (GFC) và một số nhà đầu tư. Đây là lần huy động thứ 2 của Công ty sau 3 năm thành lập.
Nền tảng nấu ăn
Chưa có nền tảng nào phục vụ cộng đồng những người thích tự nấu ăn có thị phần áp đảo ở Việt Nam, Cooky đang tập trung vào mục tiêu đó. Cooky được định nghĩa là nền tảng phục vụ những người thích nấu ăn. Ở đó các thành viên có thể chia sẻ công thức nấu ăn, tham gia các lớp học về nấu ăn đang thành trào lưu trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty có 3 triệu lượt truy cập hằng tháng, 40.000 công thức nấu ăn và đã tổ chức hơn 200 khóa học.
Nguyễn Lương Minh Vương (sinh năm 1987), đồng sáng lập Cooky và hiện là Giám đốc Điều hành, cho biết ý tưởng thành lập xuất phát từ việc thích nấu ăn và chia sẻ với các đồng nghiệp. Hiện tại, nguồn thu Công ty đến từ 2 kênh. Thứ nhất là quảng cáo cho các nhãn hàng kinh doanh gia vị, các sản phẩm phục vụ nhà bếp. Thứ 2 là đến từ việc tổ chức các khóa học nấu ăn. Doanh thu từ quảng cáo đang chiếm tỉ lệ lớn nhất. “Tuy nhiên, chúng tôi không định nghĩa Cooky.vn là một nền tảng phục vụ cho việc quảng cáo”, anh Vương cho biết.
Theo dữ liệu nghiên cứu của các nhà đầu tư vào Cooky, nếu như năm 2017, người Việt Nam chi hơn 26 tỉ USD cho ăn uống bên ngoài, thì chi phí cho việc nấu ăn ở nhà phải hơn 32 tỉ USD. Xu hướng nấu ăn ở nhà vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới khi nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về sức khỏe dinh dưỡng đang tăng cao và thị trường này hiện vẫn chưa xác định đơn vị dẫn đầu.
Đây là mục tiêu Cooky hướng đến, theo Minh Vương, Công ty sẽ tập trung phát triển thành một nền tảng phục vụ cho các đối tượng thích nấu ăn, bao gồm cả việc chuẩn bị nguyên liệu hay gợi ý các dụng cụ làm bếp cần mua. Mô hình và định hướng của Cooky không mới trên thế giới. Cookpad, nền tảng chia sẻ công thức nấu ăn của Nhật, là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này. Thành lập năm 1997, Cookpad lên sàn chứng khoán Nhật vào năm 2009 với định giá hơn 1,4 tỉ USD. Nguồn thu của Công ty đến từ 3 nhóm: phí thành viên, quảng cáo hiển thị và tổ chức các cuộc thi nấu ăn.
Mục tiêu tối giản
Với mục tiêu chiếm vị trí số 1 ở Việt Nam, không khó hiểu khi huy động được vốn lần 2, Cooky đầu tư rất nhiều cho hoạt động thu hút người sử dụng.
Đầu tiên, Cooky sẽ bổ sung thêm các tính năng để người sử dụng theo dõi và tương tác với nhau nhiều hơn. Thứ đến, Công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động thành viên, tổ chức các lớp học nấu ăn với sự tham gia của nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thị trường.
Theo anh Vương, hiện công suất tối đa một tháng có thể tổ chức các khóa học cho khoảng 300 người. Cooky kỳ vọng sẽ đạt gấp 3 số lượng người sử dụng trong 1 năm tới. Hiện tại ứng dụng này đang có hơn 140.000 người sử dụng. Người điều hành của Cooky hiểu rằng, thị trường Việt Nam khác Nhật nên việc tìm nguồn thu từ phí đăng ký như Cookpad là rất khó, Công ty buộc phải tìm kiếm nguồn thu từ các dịch vụ khác.
Nhiều khả năng, để giữ chân người sử dụng, Cooky sẽ phải tham gia thị trường giao nhận nguyên liệu đã qua sơ chế như Instacart, HelloFresh. Tuy nhiên, anh Vương từ chối bình luận về vấn đề này vì cho rằng chưa phải thời điểm.
Ở Việt Nam, ngoài Cooky, nhiều đơn vị cũng đang khai thác tập khách hàng thích nấu ăn, có thể kể đến như Feedy, chủ quản là Công ty Tầm Nhìn Cộng (Việt Nam), Tastemade (Mỹ), Cookpad. Trong đó, Feedy được xem là đối thủ trực tiếp của Cooky và hiện có cộng đồng khá đông đảo trên các trang mạng như YouTube, Facebook… Không bình luận về các đối thủ, anh Vương chỉ cho biết trên thị trường hiện chưa có một nền tảng cân đối nhu cầu trực tuyến và ngoại tuyến của người sử dụng và đây là mục tiêu Công ty hướng đến.
Từng là một trong những thành viên trong đội ngũ sáng lập Foody, Nguyễn Lương Minh Vương tin rằng khi tạo ra một nền tảng được nhiều người sử dụng, sẽ là cơ hội cho các dịch vụ vệ tinh về sau. “Mục tiêu của chúng tôi là tối giản và đem lại niềm vui trong việc nấu ăn hằng ngày”, anh nói.
Huy Vũ
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư