Thị trường cà phê tháng 2 sôi động hơn bởi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Theo đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil và báo cáo tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê thế giới.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 39,9 triệu bao.
Tháng 2, giá cà phê robusta và arabica ở thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Ở thị trường Việt Nam, trong tháng 2 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.056 tấn, trị giá 435 triệu USD, so với tháng trước tăng 40% về lượng và trị giá. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hai tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg).
Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê dao động trong khoảng 46.700 – 47.100 đồng/kg. Đây là mức giá giao dịch cao nhất trong 5 tháng trở lại đây và chỉ kém khoảng 2.500 đồng/kg so với mức đỉnh 50.700 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Chúng tôi cho rằng đà tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng giá cà phê trong nước. Tuy nhiên, về dài hạn, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng nhu cầu hạt cà phê trong năm nay sẽ còn tăng mạnh, thậm chí cao hơn năm 2022.
Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá sẽ có thể bằng với cao của năm ngoái thậm chí hơn. Chiến lược của các nhà mua lớn là bắt đầu gom hàng ngay từ đầu vụ. Hiện tại nguồn cung arabica ở Việt Nam gần như đã được mua hết.
Chi tiết báo cáo thị trường cà phê tháng 2/2023 tại đây: