Lợi nhuận Bkav Pro liên tục sụt giảm trong những năm gần đây dù là “hạt nhân” trong hệ sinh thái Bkav.
Dữ liệu công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy CTCP Phần mềm diệt virus Bkav (Bkav Pro) kinh doanh không tích cực khi trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận ròng giảm gần 39% xuống xấp xỉ 2,7 tỷ đồng.
Đà giảm lợi nhuận của Bkav Pro bắt đầu tư năm 2021 – sau 5 năm kể từ khi tập đoàn Bkav quyết định chuyển hướng từ phần mềm sang phần cứng, sản xuất smartphone và smarthome. Tuy nhiên, nỗ lực này không mang về kết quả cho công ty ông Nguyễn Tử Quảng. Tháng 5/2022, Bkav thông báo giải thể mảng sản xuất điện thoại.
CTCP Phần mềm diệt virus Bkav từng là hạt nhân chính trong hệ sinh thái Bkav, mỗi năm mang về khoản lợi nhuận hàng chục tỷ đồng cho tập đoàn giai đoạn 2018 – 2022. Chẳng hạn, năm 2018, Bkav Pro đạt 105 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lãi sau thuế. Đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Bkav Pro tăng lên 99 tỷ đồng.
Trụ sở Bkav Pro đặt tại Cầu Giấy, Hà Nội với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là sản xuất phần mềm. Vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Bkav góp 96% vốn, ông Vũ Ngọc Sơn và bà Lại Thu Hằng lần lượt mỗi người sở hữu 2% vốn.
Ông Sơn từng là đại diện pháp luật kiêm CEO Bkav Pro. Ông là một trong những nhân sự chủ chốt của bộ phận nghiên cứu phát triển phần mềm diệt virus Bkav Pro đồng thời từng giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav.
Tháng 7/2022, ông Sơn rời công ty. Ông Nguyễn Tử Quảng thay ông Sơn làm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật Bkav Pro. Cập nhật mới nhất đến tháng 6/2020, công ty phát triển phần mềm diệt virus máy tính này tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, song không rõ tỷ lệ sở hữu.
Năm 2018, Bkav Pro được Bkav định giá ở mức 1.500 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro khoảng 223 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với đầu năm. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hơn 144%, tức nợ phải trả hơn 321 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu của công ty gần 170 tỷ đồng.
Nợ trái phiếu nằm trong lô trái phiếu được Bkav Pro phát hành tháng 5/2021 nhằm huy động 170 tỷ đồng với lãi suất ban đầu 10,5%/năm. Tài sản đảm bảo bao gồm cổ phần của Bkav Pro và Bkav thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng.
Mục đích huy động vốn để phát triển sản phẩm camera AI View, đầu tư chuyển đổi số và phát triển dòng Bphone.
Tháng 5/2024, Bkav Pro được trái chủ chấp thuận kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu thêm một năm đến 26/5/2025, với lãi suất 11%/năm, sau khi không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với lô trái phiếu này.
Tài sản đảm bảo gồm hơn 6,1 triệu cổ phần Bkav Pro của CTCP Bkav và vốn góp của Chủ tịch Nguyễn Tử Quảng tại công ty TNHH Nền tảng Chuyển đổi số Việt Nam (Công ty DXP). Trái chủ có quyền yêu cầu các công ty liên quan báo cáo tài chính để đảm bảo ít nhất 1,5 tỷ đồng/tháng vào tài khoản chứng khoán của Bkav Pro. Các công ty cũng phải cam kết không phát sinh nợ mới trừ khi được phê duyệt.