Các nguồn tin cho biết Citigroup, Goldman Sachs và JPMorgan là những ngân hàng điều phối khoản vay 9,5 tỷ USD của ByteDance.
Theo tờ South China Morning Post, ByteDance đang có kế hoạch vay 9,5 tỷ USD từ các ngân hàng quốc tế. Đây được xem là khoản vay bằng đô la lớn nhất của một doanh nghiệp tại châu Á (không tính Nhật Bản) từ trước đến nay.
Ông Li Chengdong, nhà sáng lập kiêm chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Dolphin (Bắc Kinh), cho biết ByteDance cần một phần tiền từ khoản vay này để phục vụ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Cụ thể, mảng thương mại điện tử quốc tế của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, đòi hỏi hàng trăm triệu USD để xây dựng hệ sinh thái.
Ngoài ra, việc vay vốn cũng giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các ngân hàng. Theo ông Li, việc phát hành trái phiếu ở nước ngoài là thông lệ phổ biến đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Tencent Holdings và JD.com, do những khó khăn trong việc chuyển đổi ngoại tệ.
Các nguồn tin cho biết Citigroup, Goldman Sachs và JPMorgan là những ngân hàng điều phối khoản vay này. Khoản vay có thời hạn ba năm và có thể gia hạn lên đến 5 năm. Một phần số tiền sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho khoản vay 5 tỷ USD mà ByteDance đã huy động năm 2021, phần còn lại sẽ dùng làm vốn lưu động. ByteDance đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực như thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo tạo sinh, bên cạnh mảng quảng cáo trực tuyến cốt lõi.
Tại thị trường nội địa, công ty đang đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng tương tự ChatGPT. Ở thị trường quốc tế, TikTok dự định mở rộng nền tảng mua sắm trực tiếp sang nhiều thị trường châu Âu, sau thành công ban đầu tại Mỹ.
Được thành lập vào năm 2012, ByteDance đã trở thành một trong những công ty truyền thông xã hội hàng đầu Trung Quốc với ứng dụng video di động Douyin phổ biến rộng rãi. Công ty cũng là chủ sở hữu của TikTok, ứng dụng mạng xã hội được ưa chuộng tại Mỹ.