Ngày 11/11, trên mạng xã hội lan truyền những bức ảnh cho thấy đông đảo shipper đang đứng xếp hàng bên ngoài một số cơ sở của chuỗi đồ uống Katinat. Lý do lượng đơn đặt hàng tại Katinat tăng đột biến được cho là bởi thương hiệu này vừa ra mắt phiên bản ly giới hạn cho mùa lễ hội 2024.
Theo thông tin trên fanpage Facebook Katinat, từ ngày 8/11, tất cả thức uống size L sẽ được phục vụ trong chiếc ly màu hồng neon rực rỡ, lấy cảm hứng từ loại đá quý Sapphire Hồng, kèm theo chiếc đai giữ ly thiết kế lấp lánh. Ly được làm từ chất liệu nhựa PP, khả năng chịu nhiệt từ -10 đến 120 độ C, có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, Katinat nhấn mạnh số lượng ly có hạn.
Bên dưới các bài đăng về cảnh xếp hàng đông đúc tại Katinat, nhiều cư dân mạng gợi nhắc rằng thương hiệu này mới 2 tháng trước còn gây tranh cãi vì cách ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi hồi tháng 9. Cụ thể, Katinat từng thông báo họ sẽ trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra để ủng hộ cho công tác cứu trợ.
Sau khi hứng “cơn bão” phẫn nộ và chỉ trích nặng nề từ cộng đồng mạng, Katinat đã xin lỗi và giải thích vì cách truyền thông có những hiểu lầm, đồng thời chuyển khoản 1 tỷ đồng đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam – Ban Cứu trợ Trung ương. Ngày 1/10, Katinat cũng công bố đã bán được gần 889.000 ly nước trong chương trình trích 1.000 đồng/ly ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Sức hút của những chiếc ly rực rỡ
Đây không phải lần đầu tiên Katinat khiến các khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, khao khát sở hữu bằng được mẫu ly phiên bản giới hạn của họ.
Hồi tháng 11/2022, khi số cửa hàng mới đạt khoảng 20 và chưa “Bắc tiến”, Katinat đã gây sốt với mẫu ly cầu vồng – phiên bản giới hạn trước thềm năm mới 2023. Dòng người xếp hàng dài, thậm chí đến thật sớm hoặc chấp nhận chờ 2-3 tiếng để mua được ly nước.
Theo chuyên gia F&B Châu Lê – Nhà sáng lập F&B Insider Hub, việc Katinat tung mẫu ly màu hồng neon tương tự chiến lược mà thương hiệu này vẫn theo đuổi từ trước tới nay là chăm chút bao bì, tăng trải nghiệm sản phẩm bằng mẫu mã.
“ Ai theo dõi Katinat sẽ thấy rằng từ thời điểm thương hiệu này được viral với ly cầu vồng, họ thường xuyên ra ly theo season (mùa). Điều khiến tôi bất ngờ lần này là Katinat dùng màu hồng neon nổi bật, vì những phiên bản ly trước đây đều lấy màu pastel nhẹ nhàng. Tôi nghĩ đây là lựa chọn khá gan dạ. Nếu đặt vào các thương hiệu nhỏ, màu này dễ bị ‘sến’ ”, ông Châu nhận xét.
Vị chuyên gia cho biết mạng xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược marketing của Katinat. “ Katinat có cách làm hình ảnh rất “sang”, khiến chiếc ly trở nên bắt mắt. Mọi thứ đều chỉn chu. Điều này giúp đánh vào tâm lý, cảm xúc người dùng ”, ông nói.
Bình luận về hình ảnh các shipper đứng xếp hàng đông đúc tại các cửa hàng Katinat, ông Châu chỉ ra rằng ngày 11/11 là lễ hội mua sắm trên khắp các nền tảng. Do đó, lượng đơn đặt hàng lớn có thể không chỉ đến nhờ chiếc ly màu hồng, mà còn đến từ khách săn sale ngày đôi.
“ Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm làm việc tại thị trường các tỉnh xung quanh TP.HCM, tôi nhận thấy Katinat vẫn là “hệ tư tưởng” đối với người tiêu dùng tại những địa phương này. Nhiều người nhận mua hộ, rồi tới TP.HCM xách cả thùng xốp đựng Katinat về, lấy tiền công khoảng 10.000 – 15.000 đồng/ly ”, ông Châu cho biết.
2.000 đồng đổi lấy chiến dịch marketing hiệu quả
Ngoài Katinat, chuỗi Phê La cũng là một thương hiệu trà sữa cực kỳ chú trọng bao bì. Đầu tháng 10 vừa qua, Phê La ra mắt mẫu ly “nhung lụa là” với màu trắng pha hồng pastel, được thiết kế mềm mại để thể hiện tiết giao mùa.
Một thương hiệu trà sữa khác cũng làm tốt khâu bao bì là Koi Thé, tập trung vào các mẫu túi giữ nhiệt, ly giấy, ly tái sử dụng để gia tăng trải nghiệm khách hàng.
“ Bao bì bây giờ đã khác rất nhiều so với trước. Ở những tỉnh thành lớn, các ứng dụng gọi đồ ăn phát triển mạnh, nên các thương hiệu chỉ còn 1 điểm tiếp xúc đầu tiên và duy nhất với khách hàng là bao bì. Họ không thể chăm sóc khách hàng, tiếp xúc trực tiếp nhiều như trước nữa ”, ông Châu phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, giờ đây bao bì nhiều khả năng còn trở thành USP (lợi điểm bán hàng độc nhất) khi khách đến cửa hàng. Lý do là các thương hiệu đồ uống gần như chưa có cách nào để cải tiến sản phẩm hơn nữa, trừ những thương hiệu lớn có một số món lạ về nông sản mà từ trước tới giờ chưa ai làm.
“ Kể cả vậy, điều này cũng chỉ chiếm thiểu số và đi theo mùa mà thôi. Còn bao bì sẽ là thứ tạo ra trải nghiệm nếu thương hiệu đủ mạnh để có thể chạy số lượng lớn.
Thêm vào đó, tính cả đai giữ ly thì chi phí cho mỗi chiếc ly cũng chỉ khoảng 2.000 đồng, so với một ly nước giá 60.000 đồng thì chiếm khoảng 3%. Tôi nghĩ đây là khoản đầu tư xứng đáng cho một chiến dịch marketing ”, ông Châu nêu quan điểm.
#0913032333 #marketing #Zeus
www.b1u.org