Xuất phát từ khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và kết nối với các chuyên gia giỏi để được tư vấn trong lần khởi nghiệp, anh Nguyễn Đình Nghĩa – Founder & CEO của Askany đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kết nối giữa chuyên gia và khách hàng để tư vấn đa lĩnh vực. Tham gia Shark Tank mùa 7, anh Nghĩa gọi vốn 2 tỷ cho 7% cổ phần.
Theo giới thiệu, “ứng dụng Askany” cho phép kết nối người dùng với những chuyên gia giỏi thuộc 16 lĩnh vực với giá tư vấn rẻ hơn nhiều so với dịch vụ tư vấn truyền thống. Theo đó, người dùng có thể lựa chọn gói tư vấn online qua ứng dụng hoặc đặt gói tư vấn theo lượng thời gian (15 phút, 60 phút).
Giá trị trung bình của một gói là hơn 1 triệu đồng. Tỷ lệ hài lòng trung bình là 4,6/5. Tỷ lệ khách hàng trả tiền cho ứng dụng là 15% liên hệ và được xác định trở thành khách hàng tiềm năng thu về.
Hiện tại, mỗi tháng Askany đang hỗ trợ cho 300 – 500 cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Tháng 6/2024, startup đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu GMV và doanh thu của công ty được hơn 200 triệu đồng. Tổng doanh thu GMV đạt được là 1 tỷ 90 triệu đồng, doanh thu của công ty là 490 triệu.
Trước đó, doanh nghiệp đã tự bỏ ra 27 tỷ đồng để đầu tư cho công đoạn lập trình, code nhiều tính năng cho sản phẩm, chạy quảng cáo billboard tại các sân bay.
Nhận định về mô hình kinh doanh của Askany, shark Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện doanh nghiệp làm startup kiểu “con nhà giàu” khi chạy quảng cáo billboard, có đội kỹ thuật lương 700 triệu đồng…
“Mô hình của Askany có nhiều điểm chưa tối ưu. Về mặt lập trình ứng dụng, startup bỏ quá nhiều thời gian và ngân sách để “làm lại cái bánh xe” trong khi thế giới công nghệ hiện nay tất cả mọi thứ đều đã mô-đun hóa, có các doanh nghiệp cung cấp API (Application Programming Interface – giao diện lập trình ứng dụng) giải quyết tất cả các vấn đề”, cá mập công nghệ nói.
Theo doanh nhân này, thay vì doanh nghiệp phải bỏ tổng ra 10 tỷ để làm lại tất cả các tính năng đó thì bạn chỉ phải trả 10 triệu tháng, thay vì một năm chỉ mất 3 ngày. Về mặt sản phẩm, chưa thân thiện người dùng, còn rối rắm, nhiều hạng mục.
Do đó, Shark Bình tung deal 2 tỷ cho 30% cổ phần vì cho rằng thị trường tuy ngách nhưng vẫn có tiềm năng nếu biết cách làm tốt.
Lời nhận xét của ông Nguyễn Hòa Bình khiến nhà sáng lập xúc động bởi “Nếu từ đầu em có được lời tư vấn của Shark Bình sẽ đỡ được rất nhiều tỷ đồng đầu tư”. Tuy nhiên, do chưa sẵn sàng chia sẻ thêm cổ phần nên sau một hồi thương lượng startup vẫn từ chối.